Thép Nhật Quang trở thành một trong 25 doanh nghiệp tham gia “Giai đoạn hỗ trợ chuyên sâu” của Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) do WBG thực hiện
Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) là chương trình đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia, đồng thời cho phép các nhà cung cấp hiện tại mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao giá trị gia tăng.
Hiện nay, các công ty đa quốc gia (MNE) đã triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, đem lại cơ hội phát triển cho các nhà cung ứng trong nước. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn ở nước ta là vẫn còn thiếu các nhà cung cấp đáp ứng được các chuẩn mực toàn cầu cần thiết.
Trên thực tế, theo nhìn nhận của ông Mike Dickinson, Tổng giám đốc Diễn đàn công nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô của Anh (SMMT), cố vấn cấp cao Chương trình SDP, nhiều doanh nghiệp Việt có hệ thống máy móc, công nghệ đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… do được đầu tư mới, nhưng không phát huy được vì thiếu năng lực quản trị, quản lý, từ việc xây dựng chiến lược dài hạn đến kế hoạch triển khai công việc.
Trước thực trạng này, Chương trình thí điểm Phát triển Nhà cung cấp Việt Nam được triển khai nhằm giúp đỡ các nhà cung cấp trong nước đáp ứng được yêu cầu của các MNE về chất lượng, giá thành, khâu giao hàng cũng như các yêu cầu khác thông qua chuỗi giá trị trong các ngành mục tiêu. Sau đó, các doanh nghiệp này sẽ được kết nối với các MNE để tìm kiếm cơ hội cung ứng trong tương lai.
“Việc nâng cao năng lực để thiết lập được hoạt động kinh doanh mới với MNE là bước đầu tiên để nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty trong nước tham gia chương trình”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói và cho biết: “Mục đích cuối cùng của chương trình là giúp các doanh nghiệp trong nước dịch chuyển lên các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị để có thể sản xuất được các sản phẩm phức tạp hơn và cạnh tranh tốt hơn trên phạm vi toàn cầu”.
Từ thành công của chương trình thí điểm này, trong tương lai các chương trình tiếp theo có thể sẽ được thực hiện với các ngành khác và các MNE khác, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia hơn.
Sau hai đợt kiểm tra, đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bởi các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) và Diễn đàn công nghiệp (Industrial Forum – IF), Nhật Quang đã được lựa chọn thành một trong 25 doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với chương trình SDP bước vào giai đoạn 2 (Giai đoạn hỗ trợ chuyên sâu).
Sau khi chương trình, Nhật Quang mong muốn trở thành đối tác lâu dài của các tập đoàn MNE, tham gia chuỗi cung ứng giá trị giúp các bên cùng phát triển bền vững và giúp cho nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng cao hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.